Trang

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Chạnh lòng người cha sống dưới cống kiếm tiền nuôi con


Hơn 10 năm nay, để kiếm tiền nuôi con, chú Nguyễn Hữu Định, bố thủ khoa ĐH Y Hà Nội - Nguyễn Hữu Tiến đã sống tạm bợ khắp vỉa hè, lều bạt ở Thủ đô.

Chú chưa một lần thuê nhà trọ, thậm chí nhiều lúc còn ở trong ống cống bỏ hoang. “Ở trọ trần gian” là câu nói đùa chú Nguyễn Hữu Định mô tả về cuộc sống mưu sinh của mình suốt 10 năm ở trung tâm thủ đô Hà Nội.
“Nhà trọ” của chú đơn giản lắm, nay xin ở công trường xây dựng tạm bợ, mai phiêu dạt ra nằm ở các bốt điện thoại, cây rút tiền tự động. Có khi mệt quá, chú kiếm tạm mái hiên của một ngôi nhà nằm hơi khuất với mặt phố để ngủ tạm.
Vợ chồng chú Định ở quê thôn Động Phí, xã Phú Túc, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, có làm thêm mấy sào ruộng. Nhưng chừng đó không thể nuôi nổi 4 người con ăn học. Gia đình phải đi vay mượn khắp nơi, thậm chí vay lãi ngày để lo cho chuyện học hành cho các con. Số tiền giờ đã gần 100 triệu đồng.
Ngày tôi tới thăm căn nhà nhỏ của cô chú ở thôn Động Phí, người đến chúc mừng Tiến nhiều mà người tới đòi nợ lãi cũng chẳng ít. Bà ngoại em Đặng Thị Vót, đã ngoài 80 tuổi vẫn phải giúp các cháu bằng những bát gạo, củ khoai ông bà có.
Cô Hoàng Thị Thanh, vợ chú hết đi phụ hồ, làm thuê, giờ ở nhà đi vặt lông vịt buổi đêm kiếm tiền. Còn chú, từ đi bốc vác, phụ hồ,…nay “ổn định” với hòm đồ nghề sửa xe đạp và một cái chai nhỏ bán xăng trên đường Lê Văn Lương kéo dài.
Người cha với đôi bàn tay chai sạn, gương mặt đăm chiêu: “Mỗi ngày tiền kiếm được vài chục, ngày nhiều thì hơn 100.000 đồng tôi chẳng dám thuê nhà trọ, ở lang thang bên ngoài, điện đóm cũng không có”.
Sau nhiều lần di chuyển, giờ chú mới chuyển ra ở trong ống cống bỏ hoang trên đường Lê Văn Lương kéo dài.
Chiếc cống được che đậy bằng tấm gỗ công trường bỏ đi, chú mang về chắp vá thành cửa che nắng, che mưa. Vì sợ nửa đêm ngủ ai đó vào đánh hay trấn lột lấy đồ nghề nên chú cẩn thận gửi hòm nghề, xe đạp bên cổng bảo vệ của khu đô thị đối diện “nhà” của chú, bên kia đường.
Cha sống trong ống cống, nuôi con đỗ thủ khoa    Nhiều khi các con cũng khuyên về ở với chúng nó, nhưng tôi gạt đi, nói con phải gắng học hành. Bố còn sức khỏe sẽ lo cho con ăn học.
Chú Nguyễn Hữu Định chia sẻ 
Nhớ về 10 năm phiêu dạt trên đất thủ đô, chú chẳng thể quên những năm làm sửa xe từ Cầu Giấy, đường Láng rồi đến đường Lê Văn Lương.
Nhiều lần không có chỗ ngủ, gặp trận mưa to phải ngủ nhờ phòng để đồ của nhà vệ sinh công cộng có hơn 1 mét vuông mà hai người nằm, chân co lại không thể chuyển mình. Hay nỗi vất vả của những lần ngủ vỉa hè, chú phải chờ đến 9 - 10 giờ tối mới dám ngủ, đến 4h sáng dậy vì sợ người ta đi lại nhiều và “ngại” nữa.
Niềm vui, hạnh phúc và là động lực lớn nhất để chú Định và vợ cố gắng làm ăn chính là những đứa con chăm ngoan học giỏi. Nguyễn Hữu Tiến vừa đỗ thủ khoa Trường ĐH Y Hà Nội với 29,5 điểm. Người em sinh đôi Nguyễn Hữu Tiền cũng đỗ Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội với số điểm 26.
Trước Tiến, còn có 1 người chị đang học năm cuối Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn; người chị thứ 2 học năm thứ 3 CĐ Xây dựng trên Hà Nội. Hai người chị được bố mẹ xin cho ở kí túc xá của trường để tiết kiệm chi tiêu.
“Biết bố nó khổ lắm. Nhiều khi tôi với các con cũng khuyên thuê nhà ở nhưng chú lại gạt đi, bảo để dành tiền nuôi con”, cô Thanh tâm sự.
Còn chú Định phân trần: “Nhiều khi các con cũng khuyên về ở với chúng nó, nhưng tôi gạt đi, nói con phải gắng học hành. Bố còn sức khỏe sẽ lo cho con ăn học”.
“Em biết bố mẹ vất vả nên chỉ biết cố gắng thôi. Nếu sau này xin được dạy thêm em sẽ nói với bố để hai bố con về ở cùng với nhau”, Tiến nghẹn ngào.
Chú Đặng Văn Giao (người thôn Nội Xa, xã Vạn Thái, Ứng Hòa, Hà Nội) hiện ở gần “nhà” của chú Định cho biết: “Cậu ấy về khu này ở đã hơn 2 năm. Vừa rồi dựng tạm túp lều để ở nhưng vừa bị người ta kéo xuống. Chú ấy kéo tạm được mấy thanh gỗ, thêm cái chiếu ở trong ống cống ngay sau căn lều của tôi. Thật khâm phục khi vợ chồng chú ấy có những người con giỏi giang, ngoan ngoãn”.
Theo vtc.vn

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Nụ cười người Mẹ nhặt rác nuôi bốn con học đại học


Giữa cơn nắng gắt, hay trời mưa gió rét cặp vợ chồng vẫn đi bới rác để nhặt phế liệu, nuôi 4 người con học đại học.
Đó là vợ chồng cô chú Trần Thị Nguyên, Lương Xuân Cảnh ở xã Hợp Thành (Yên Thành, Nghệ An). Chúng tôi đến nhà cô chú vào buổi sáng mưa phùn giăng trắng trời. Ngôi nhà cấp 4 nằm ở đầu xóm tuềnh toàng gió, chỉ nghe tiếng gà vịt kêu huyên náo cả một vùng. Nhắc đến những đứa con học hành giỏi giang, cô Nguyên như tan biến đi nỗi vất vả nhọc nhằn. Cô tâm sự: “Vợ chồng tui nghèo nhưng quyết tâm “đầu tư” cho con cái học hành. Phải học mới thoát nghèo được.”
Lớn lên trong đói nghèo nhưng 7 người con của cô Nguyên đều ngoan ngoãn, siêng năng và học giỏi năm nào cũng được nhận giấy khen. Trong 7 người con, chỉ có 3 người con gái đầu là tốt nghiệp phổ thông rồi đi làm, 4 người còn lại đều thi đỗ đại học, 3 người đã tốt nghiệp và đang học cao học. Lương Triều (SN 1981) và Lương Xuân Quý (1988) đều tốt nghiệp ĐH Thể dục Thể thao Từ Sơn và hiện đang học cao học; Lương Xuân Phú (SN 1986), tốt nghiệp ĐH Công nghệ Thông tin, hiện đang học cao học; người con út Lương Xuân Quang (SN 1992) học năm thứ 3 ĐH Thể dục Thể thao Từ Sơn.


Cô Trần Thị Nguyên nhặt phế liệu, nuôi 4 con học đại học.

Các con học giỏi là niềm hạnh phúc nhưng làm thế nào để có đủ tiền chu cấp hằng tháng cho các con ăn học cũng làm cô chú phải nhiều đêm thức trắng. Ngoài mấy sào ruộng, cô chú còn làm thuê, làm mướn, chăn nuôi lợn gà và nhặt phế liệu. Từ sáng sớm cho tới lúc trời tối không nhìn rõ mặt người, cô Nguyên với chiếc xe đạp tòng tọc cột 2 sọt tre, cần mẫn nhặt tại các hố rác, các bãi hoang nơi nào có phế liệu. Khi nào đầy 2 sọt, cô lại đi nhập cho đại lý lấy tiền gửi cho con.
Cô cho biết, thời điểm khó khăn, gay go nhất trong đời mình là lúc 4 đứa con học đại học, cùng một lúc. Làm thuê làm mướn, nhặt phế liệu cũng không đủ lo cho các con được, cô chú phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi, cắm cả nhà, đất để vay ngân hàng. Có thời điểm gia đình quá khó khăn, vì thương cha mẹ, các con định nghỉ học để đi làm và học nghề. Cô bảo: “Cha mẹ còn lo được, các con cứ yên tâm học hành, các con học hành tấn tới là cha mẹ vui rồi”.
Hiện cô chú còn nợ gần 100 triệu đồng tiền vay cho các con ăn học, nhưng cô vẫn luôn lạc quan: “Nợ thì làm lụng trả dần. Cái quan trọng là chúng nó có được kiến thức, đã có kiến thức thì không thể nghèo mãi được". Chính bởi niềm tin ấy mà vợ chồng cô đã viết nên câu chuyện cổ tích khuyến học đẹp giữa một miền đồng quê lam lũ.

Nguồn: Tiin.vn

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

Sinh viên Việt và cơ hội việc làm tại Nhật

Hàng trăm sinh viên trường CĐ nghề công nghệ cao sẽ có cơ hội làm việc tại Nhật Bản sau chương trình đào tạo liên kết với doanh nghiệp Nhật Bản.
Hôm qua 20/6, trường CĐ nghề công nghệ cao Hà Nội đã tổ chức lễ kí kết hợp tác đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao với công ty Nhật Bản Kyosan và một công ty phát triển nhân lực Việt Nam.

Lễ kí kết giữa trường CĐ nghề công nghệ cao Hà Nội và công ty Kyosan và một công ty đối tác trong nước.



Sự hợp tác giữa nhà trường và đối tác Nhật Bản nhằm mục tiêu đào tạo ra một lực lượng thợ hàn, thợ cơ khí có đủ trình độ tay nghề theo tiêu chuẩn quốc tế với ý thức kỉ luật tốt, cung ứng cho các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và tiến tới phát triển ra các thị trường uy tín và rộng lớn trên toàn thế giới.

Qua các chương trình hợp tác đào tạo, trường CĐ nghề công nghệ cao Hà Nội mong muốn trở thành cầu nối cung ứng nguồn nhân lực có tay nghề cao cho các đối tác nước ngoài, góp phần giải quyết nhu cầu việc làm của lao động trẻ trong nước.

Với khả năng phát triển không ngừng và việc mở rộng liên kết đào tạo với các đối tác nước ngoài, nhà trường cũng đã từng mở nhiều khoá học liên kết giúp nâng cao trình độ của sinh viên, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng quốc tế.
Theo dantri.com.vn

Nhộn nhịp với việc làm thêm ngày hè

Hè về, với các bạn sinh viên là lúc bước vào vụ... làm thêm! Làm thêm với nhiều bạn là cách trải nghiệm cuộc sống, “thử làm ra đồng tiền cho biết” nhưng sau rốt vẫn là kiếm tiền cho năm học sau! Việc làm hè cho sinh viên rất đa dạng và thù lao tăng khoảng 10% so với năm ngoái.

Là nhân viên bảo vệ kiêm giữ xe cho công ty, cửa hàng.

Đầu tháng 6, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (sinh viên năm 3 ĐH Kinh tế TP.HCM) tìm được chân phục vụ trong quán ăn dành cho người nước ngoài ở quận 1 với mức lương 2,6 triệu đồng/tháng, làm theo ca tám tiếng mỗi ngày. Nếu trong năm học, Hạnh chỉ đi làm thêm khảo sát thị trường vào thời gian rảnh, thì dịp hè Hạnh dành cả ngày đi làm thêm. Hạnh muốn đi làm để học thêm được nhiều thứ, đặc biệt là kỹ năng quản lý thời gian, khả năng giao tiếp tiếng Anh. Nơi giới thiệu việc làm cho Hạnh là Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM.

Tại trung tâm này (33 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1) mấy tuần qua luôn đông nghẹt sinh viên đến tìm việc. Tuần qua, mỗi ngày trung tâm giới thiệu việc làm cho hàng trăm sinh viên. Những công việc được yêu thích là khảo sát thị trường, trực tổng đài điện thoại, giúp việc nhà, bảo vệ, nhân viên bán hàng, phục vụ nhà hàng... Ông Nguyễn Văn Sang, phó giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề, giới thiệu việc làm thanh niên, cũng cho biết hiện trung tâm có hơn 500 đầu việc bán thời gian dành cho sinh viên.

Ngoài các trung tâm, nhiều sinh viên cũng chủ động kiếm việc thông qua người quen, bạn bè. Như trường hợp Lê Văn Thuần (sinh viên năm 1 ĐH Văn hóa TP.HCM) dù còn hai môn thi nữa mới kết thúc năm học nhưng Thuần đã tìm được công việc phụ bếp ở một quán hải sản trên đường Trần Não (Q.2) với mức lương 2,2 triệu đồng/tháng. “Công việc cũng không vất vả lắm nên sắp tới mình định kiếm thêm một việc nữa làm trong dịp hè này để chi trả học phí và đi chuyến thực tế đầu năm học tới” - Thuần chia sẻ.

Cũng như Thuần, Nguyễn Đức Bảo (sinh viên ĐH Thể dục thể thao TP.HCM) tìm được việc bảo vệ tại cửa hàng Thế giới di động ở quốc lộ 1K (P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức) kiêm giữ xe cho khách với thu nhập 66.000 đồng/ca tám tiếng.

Việc đúng nghề, thu nhập cao

Anh Nguyễn Trọng Hoàng, trưởng phòng hỗ trợ đời sống Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM, cho biết ngoài những công việc phổ thông như bán hàng, bảo vệ, thu ngân, gói quà, khảo sát thị trường, phát tờ rơi... thì nhiều bạn sinh viên còn chọn được những việc rất tốt, vừa có thu nhập vừa có cơ hội rèn thêm kỹ năng như phục vụ trong nhà hàng nước ngoài, dịch thuật tài liệu, dạy đàn, phụ tour cho các công ty du lịch... Thường những công việc đòi hỏi một ít chuyên môn mức lương khá cao nhưng số lượng không nhiều, chủ yếu sinh viên tự tìm kiếm qua bạn bè, người thân giới thiệu.

Vốn có khả năng giao tiếp tiếng Nhật tốt, cô sinh viên Đỗ Hoài Nhớ (ĐH Ngoại thương TP.HCM) xin làm tiếp tân cho một trung tâm tiếng Nhật ở Q.Bình Thạnh. Công việc của Nhớ là trực điện thoại và phiên dịch tiếng Nhật cho khách. “Mình được thù lao 23.000 đồng/giờ. Lúc đầu công việc cũng hơi khó khăn vì nghe, nói tiếng Nhật khá khó nhưng làm vài hôm đã ổn, quen việc rất nhanh và kỹ năng tiếng Nhật cũng tốt lên”.

Còn Nguyễn Diệu Hiền (sinh viên năm 3 ĐH Văn hóa TP.HCM) được thầy giáo giới thiệu đến dạy đàn piano, organ cho các học viên nhỏ tuổi tại Trường dạy nhạc Suối Nhạc (Q.3). Hè học sinh đến theo học rất đông nên Hiền cũng được trường ưu tiên dạy nhiều lớp hơn. Trung bình một ngày Hiền dạy 1-2 lớp với mức lương 150.000 đồng/giờ. “So với các bạn thì mức lương khá cao nhưng hè mình mới được dạy nhiều do đông học sinh chứ trong năm học cũng ít lắm. Dù vui vì làm đúng chuyên ngành học nhưng kỹ năng sư phạm chưa tích lũy nhiều nên cũng hơi vất vả khi truyền đạt lại kiến thức cho các em” - Hiền nói.

Hè cũng là thời gian sinh viên tìm đến các khu công nghiệp, thử kinh doanh, chạy sự kiện, làm MC, nhận tài liệu về dịch thuật... Công việc nào cũng giúp sinh viên có một trải nghiệm cuộc sống, từ đó tích lũy cho bản thân những bài học, kỹ năng cần thiết.

Theo tuoitre.vn

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

Ngắm nữ sinh khoe dáng với áo yếm bên sen hồng

Cô bạn xinh đẹp này một trong những hot girl đình đám của trường CĐ Cộng đồng Hà Nộ, cô bạn có cái tên Từ Hương Anh đang theo học năm thứ 2 chuyên ngành Kế toán . Mùa sen tháng 6 đang nở rộ, Hương Anh đã thực hiện một bộ ảnh áo yếm tuyệt đẹp. Chúng ta cùng ngắm một số hình ảnh cực đẹp của cô bạn này nhé !















Tiin.vn

9X và biệt tài viết sách

Dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng họ đã sở hữu những đầu sách được nhiều đọc giả yêu mến, ủng hộ.

 Linh Kô I - Cô nhà văn làm giám đốc sáng tạo thương hiệu sách


Linh Kô I từ lâu đã trở thành cái tên khá quen thuộc trong “làng” văn học trẻ, sinh năm 1992, cô bạn đã sở hữu nhiều giải thưởng Văn học, in nhiều truyện ngắn, từng làm trợ lý, quản lý truyền thông cho các hot girl đình đám như Hà Lade, An Tây. Gần đây nhất, cô bạn đảm nhiệm vai trò Giám đốc sáng tạo cho một thương hiệu sách mới.
Linh Kô I là cái tên quen thuộc gắn liền với các tập sách: Truyện đôi Valentine, Như là yêu, Say nắng, Những trái tim rực rỡ sắc màu. Linh Kô I đã hợp tác cùng NXB Văn học cho xuất bản tập truyện Vị hôn (xuất bản năm 2012) nhận được nhiều phản hồi tích cực từ đọc giả. “Vị hôn không hẳn là một bữa tiệc cảm xúc, nhưng nếu được bạn chậm rãi thưởng thức, đó chắc chắn là vinh dự của tôi!” - Linh Kô I chia sẻ về cuốn sách vừa lên kệ của mình.

Đặng Hồng Ngọc - Vừa viết văn vừa làm quản lý nhóm nhạc, hot girl.


Cô bạn sinh năm 1992 này hiện đang là sinh viên khoa Kinh tế đối ngoại, ĐH Ngoại thương, Hà Nội. Tuy còn rất trẻ nhưng Hồng Ngọc sở hữu cho mình bản thành tích đáng nể trong học tập lẫn hoạt động bên ngoài. Nổi danh trong vai trò người quản lý tài giỏi của hotgirl Chi pu nhưng ít ai biết rằng cô bạn còn là một “cây” văn chương tài năng.

Với bút danh là Nắng, Hồng Ngọc vừa mới cho ra mắt cuốn sách rất tâm đắc mang tên Cát tường, mùa hạ và anh gồm tuyển tập 18 truyện ngắn được viết từ đầu năm 2009. Cuốn sách không quá cầu kì ngôn ngữ, không triết lý khó hiểu, không diễn biến phức tạp nhưng vẫn nhẹ nhàng và tinh khôi như nắng. Cuốn sách đã nhận được sự chào đón từ độc giả và những bạn trẻ yêu truyện ngắn trên khắp cả nước.

Ở độ tuổi đôi mươi và khối công việc bận rộn của một người quản lý, Hồng Ngọc vẫn dành thời gian dành cho sở thích viết lách.

Ngô Mạnh Hà - chàng nhà báo tương lai mê viết truyện


Ngô Mạnh Hà bút danh Mạnh Hà, sinh năm 1991, là chàng sinh viên năm 4 chuyên ngành Báo mạng Điện tử, Học viện Báo chí Tuyên truyền Hà Nội. Hà đến với niềm đam mê văn  học rất sớm và “khởi nghiệp” từ những truyện ngắn trên mạng. Với khả năng viết dồi dào và khai thác đề tài mới lạ, Mạnh Hà nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của các đọc giả trẻ yêu văn học mạng.

Mới đây, chàng trai tài hoa này đã xuất bản cuốn sách Cô gái U80, tập hợp của 50 tập truyện xoay quanh một nội dung chính xuyên suốt thành một chỉnh thể, truyện xoay quanh cuộc đời của cô gái trẻ mắc bệnh hóa bà lão và những hỉ-nộ-ái-ố quanh nó. Chia sẻ về cuốn sách của mình, Hà nói: “Mình đến với câu chuyện một cách hồn nhiên. Cụ thể, do thất tình nên mình muốn tìm một câu chuyện buồn khác, buồn hơn chuyện thực của mình để mình thế nhẹ lòng. Những mẩu chuyện được các bạn ủng hộ nên cứ thế viết và post lên blog thôi. Khi đọc những comment, mình biết có rất nhiều người đang theo dõi mình. Và mình không thể làm ẩu. Nên từng tình tiết, từng sự kiện, mình đều phải tìm hiểu rất kỹ”.
Lâm Xuân Nguyệt  - Viết văn giỏi, kinh doanh cũng siêu 


Sinh năm 1992 nhưng Xuân Nguyệt đã sở hữu bảng thành tích đáng nể, vừa viết văn, vừa tham gia kinh doanh và tổ chức các sự kiện. Cô sinh viên đại học Tôn Đức Thắng chuyên ngành Xã hội học này đã cho ra mắt độc giả những bộ sách hay như: Bay đi tình yêu nhỏ và nhớ quay về với anh (Nhà sách Văn Việt), Tóc ngắn và tóc bím (NXB Kim Đồng), Tất cả vì ly lục trà (NXB Trẻ)... ngoài ra cô bạn còn tham gia công tác biên tập sách cho nhà xuất bản Trẻ. Có thể nói Xuân Nguyệt đã có những đóng góp tích cực trong dòng văn học dành cho người trẻ.

Đặng Huỳnh Mai Anh - Cây bút trẻ và những dự án môi trường toàn cầu


Là cái tên mới trong giới người trẻ viết sách, Mai Anh đã chứng tỏ mình không hề bị lép vế khi vừa hợp tác với Frist News xuất bản cuốn sách Chuyện thực tập. Không “đao to búa lớn”, cô sinh viên viết những câu chuyện hữu ích gồm hàng trăm các vướng mắc, khó khăn và bản thân va vấp cũng như hướng giải quyết trong thời gian ngắn ngủi làm thực tập sinh. Những việc “tưởng nhỏ mà không nhỏ” như sử dụng máy in, máy photo đến những việc quan trọng như phân bổ công việc, cách bảo mật thông tin, đặt lịch làm việc cho lãnh đạo… được Mai Anh mô tả lại qua chính hình ảnh của mình.

Điều khá đặc biệt là Mai Anh cũng chính là người vẽ minh họa cho cuốn sách của mình. Cuốn sách là món quà nhỏ hữu ích cho những bạn trẻ sắp bước vào giai đoạn thử thách bản thân – thực tập. Không chỉ giỏi viết sách, cô bạn này còn từng giành giải thưởng Nhà lãnh đạo môi trường trẻ tuổi toàn cầu và tham gia rất nhiều hội nghị, hội thảo môi trường trên thế giới nữa đấy!

Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

Sinh viên tình nguyện bị dọa làm thịt trong mùa thi.

Khi sỹ tử kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT bắt đầu đổ xô ra các thành phố lớn để ôn thi thì cũng là lúc chủ nhà trọ và sinh viên tình nguyện cùng xuống… đường.
Chủ trọ lo kiếm khách với giá cao, còn sinh viên tình nguyện lại lo tìm nhà miễn phí, nhà giá rẻ cho sỹ tử. Cuộc “so găng” giữa họ đã xuất hiện nhiều câu chuyện khôi hài…
Mời vào để… “chém” 

Tại Hà Nội, khu vực tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng như Cầu Giấy, Từ Liêm, Thanh Xuân, Đống Đa… các chủ nhà trọ đang đổ ra đường mời chào sỹ tử lên thành phố ôn thi thuê trọ. Kèm với sự đon đả, tận tuỵ mời chào là các mức giá cho thuê “chát” được cập nhật theo xu hướng… tăng vùn vụt.



Cùng với đó là hơn 1.000 sinh viên tình nguyện của chương trình “Tiếp sức mùa thi” tại TP.HCM đã gõ cửa từng gia đình gần những địa điểm thi để vận động, đăng ký phòng trọ miễn phí, phòng trọ giá rẻ cho thí sinh. Tới nay, đội ngũ sinh viên tình nguyện đã tìm được hơn 600 chỗ trọ miễn phí, 1.100 chỗ trọ giá rẻ phục vụ cho thí sinh.



Sỹ tử Lê Văn Thành (quê ở xã Gia Hưng, Gia Viễn, Ninh Bình) cho biết: “Hai ngày nay, bố con em lên Hà Nội ở nhờ tạm nhà người quen để đi tìm phòng trọ quanh khu vực ĐH Quốc gia Hà Nội. Mặc dù các chủ trọ chèo kéo, mời chào nhưng hai bố con vẫn chưa tìm được phòng ưng ý. Có phòng vừa ý thì giá quá cao, mấy nhà giá thấp đều đã kín người. Sáng nay, em tìm được một phòng diện tích chừng 7,5m2 giá 1 triệu đồng, vừa túi tiền nhưng không chịu nổi vì ngay gần nhà vệ sinh, mùi hôi bốc lên nồng nặc không thể ở được”.
Hiện giá thuê phòng trọ đang bị đẩy lên cao. Hầu hết các phòng đều cho thuê với giá từ 1,2 - 1,3 triệu đồng/ phòng/ tháng nhưng diện tích chưa đầy 10m2. Nhỉnh hơn là phòng trọ có vệ sinh khép kín thì có giá từ 1,5 – 1,6 triệu đồng/phòng/tháng. Cao cấp hơn là những phòng có diện tích từ 12 - 13m2 vốn là phòng riêng được các chủ nhà dọn đồ cho thí sinh thuê để kiếm thêm có giá từ 2,5 triệu đồng/tháng trở lên. Các mức giá nêu trên đều tăng từ 200.000 – 500.000 đồng so với giá cách đây không lâu. Việc nâng giá phòng vô tội vạ hiện nay là do các chủ nhà trọ nắm được tâm lý của các sỹ tử muốn tìm được nơi ở hợp lý, thoáng đãng, gần những điểm dự thi cũng như ôn luyện.
Tại TP HCM, mức giá nhà cũng “tăng nhiệt” không kém ở Hà Nội. Theo đó, giá một phòng trọ khoảng 7m2, mái lợp tôn nóng bức, nhà vệ sinh dùng chung có giá xấp xỉ 1 triệu đồng/ phòng/ tháng. Phòng rộng hơn với diện tích từ 8- 9 m2 thì giá từ 1- 1,3 triệu đồng/ phòng/ tháng. Giá 1 phòng trọ khép kín 17m2 là 2,5 triệu đồng/tháng; phòng trọ 10m2 không khép kín, giá 1,5 triệu đồng/tháng. So với mùa thi năm 2012, giá phòng trọ đã tăng thêm từ 200.000 – 300.000 nghìn đồng/phòng.
Bà Nguyễn Thị Anh (ngõ 72, phố Dịch Vọng, phường Dịch Vọng, Hà Nội) cảnh báo: “Bình thường phòng trọ cho sinh viên thuê đã kín chỗ, bây giờ lại chưa nghỉ hè nên muốn thuê cả phòng, sỹ tử thường không có chỗ. Thuê được thì giá phải cao. Với mức giá hiện tại, ai chê thì sẽ mất cơ hội vì ít ngày nữa thí sinh đổ về càng đông và giá sẽ còn tăng”. “Thông điệp” khan nhà, tăng giá là thông tin được các chủ trọ tung ra để “đe” sỹ tử. Và để trợ giúp cho phụ huynh, sỹ tử lên Hà Nội luyện thi, các tình nguyện viên chiến dịch “Tiếp sức mùa thi” đã bắt tay khởi động.
“Nhiều hôm trên đường liên hệ chỗ trọ giá rẻ cho thí sinh, bọn em mới vào đầu ngõ đã có người chặn lại, cấm đường. Họ dọa rằng, họ đã bao nhà trọ của cả ngõ này, cấm bọn áo xanh bén mảng đến”. - Bạn Huỳnh Văn Đăng, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết.
Để trợ giúp được phụ huynh, sỹ tử đến Hà Nội, TP Hồ Chí Minh luyện thi, các tình nguyện viên tham gia chiến dịch “Tiếp sức mùa thi” phải đối mặt với không ít khó khăn. Trần Thị Hòa (sinh viên năm thứ 3, Trường ĐH Kinh tế Quốc) dân chia sẻ: “Để trợ giúp được cho thí sinh thì những tình nguyện viên phải đối mặt với không ít khó khăn. Làm việc tại bến xe thì bị xe ôm hành hung vì cho rằng mình giành khách. Có khi liên hệ với chủ nhà trọ để có chỗ trọ miễn phí hoặc giá rẻ lại bị “cò nhà” hăm dọa vì bị cho rằng mình “giành mất miếng cơm” của họ. Có lần em liên hệ được 10 phòng giá rẻ, đang vui mừng hớn hở thì vừa ra tới cổng đã bị “cò nhà” là cháu của chủ trọ đe: Mày là cái thá gì mà đến đây lại giành cả cơm của ông. Cả dãy nhà trọ này tao bao tất rồi. Tao mà thấy mày đưa đứa nào đến đây tao thịt”.
Bạn Nguyễn Đình Tuấn, sinh viên khoa Hóa Sinh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Làm tình nguyện viên ở bến xe ngày nào bọn em cũng phải “đụng độ” với cánh xe ôm. Mặc dù họ biết bọn em giúp đỡ không lấy tiền nhưng vẫn bị dọa nạt. Thường cứ có xe khách dừng lại là xe ôm nhao nhao đến giành khách với nhau, tất nhiên bọn em cũng có trách nhiệm đến để đón, hỗ trợ cho thí sinh nên thường bị dằn mặt”.
Theo tiin.vn.

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

Chàng trai mồ côi vào trường y

Khi biết tin Trần Văn Đức trúng tuyển vào Trường ĐH Y dược Huế với 23,5/22,5 điểm - chưa kể 2,5 điểm ưu tiên con thương binh và miền núi - làng xóm, thầy cô giáo và bạn bè ai cũng mừng cho Đức.

Còn Đức vừa mừng, vừa buồn. Mừng vì thực hiện đúng tâm nguyện của cha mẹ đã khuất. Buồn vì “mọi người đã cưu mang tôi, giúp tôi có ngày hôm nay mà tôi chưa làm được gì để trả ơn họ”.

Đức là con thứ ba của ông Trần Văn Tam. Ông Tam từng chiến đấu ở chiến trường miền Nam từ năm 1965 rồi bị địch bắt và tù đày ở Côn Đảo. Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở về làm công nhân Nông trường chè Hạnh Lâm ở xã Long Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An). Tại đây, ông xây dựng gia đình với một nữ quân nhân cũng vừa xuất ngũ. Và ba đứa con Thủy, Luận, Đức lần lượt ra đời.

Vườn rau nho nhỏ là nguồn thực phẩm của ba chị em Đức.

Đức sinh năm 1994, lên 5 tuổi thì mồ côi mẹ, lên 6 tuổi, đang học lớp 1 thì mồ côi cha. Lúc đó hai chị gái Thủy và Luận đang học lớp 11 và lớp 9. Trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ giữa làng nghèo ở xã miền núi Long Sơn, ba chị em đùm bọc lấy nhau để sống với đủ loại công việc như đi cấy đi cày, gặt lúa đổi lấy công hoặc đi bán chè, nơm cá, cất vó để kiếm sống.

Rồi Thủy, cô chị lớn, năm 2000 thi đậu và đi học tại Trường cao đẳng Sư phạm Nghệ An ở TP Vinh, để em gái là Luận học lớp 11 và Đức học lớp 1 ở quê. Vắng chị cả, Luận vừa đi học vừa nuôi em, có thêm phần đùm bọc của bà con làng xóm. Năm 2002, Luận thi đậu vào Trường ĐH Vinh, Đức học lớp 3. Lúc này các chị không thể để em thơ dại xoay xở một mình. Vì thế, hai chị mang Đức cùng lên Vinh, ba chị em chung một nhà trọ. Những tháng ngày đó hai chị vừa đi học vừa làm gia sư để nuôi em.

Nhưng Đức cũng không khỏe mạnh, trái gió trở trời lại đau. Đi khám, hai chị bàng hoàng khi bác sĩ cho hay em trai mình bị teo thận trái, phải ra Bệnh viện Nhi trung ương phẫu thuật. Biết cảnh khổ của ba chị em nên anh em, bạn bè, thầy cô góp tiền cho Đức đi viện. Sau đợt phẫu thuật, mái đầu xanh của Đức bắt đầu nhuốm bạc.

Đức ra viện thì Thủy cũng ra trường về quê xin việc. Thế là Thủy lại mang em về quê để nối lại việc học cho em. Thủy kể: “Gia cảnh khó khăn vậy nhưng Đức rất chăm học và học giỏi. Năm lớp 5, Đức đạt học sinh giỏi cấp tỉnh môn toán và tiếng Việt. Lớp 11 là học sinh giỏi môn toán của Trường THPT Anh Sơn 1. Lớp 12 Đức được chọn đi thi học sinh giỏi tỉnh môn sinh nhưng do bệnh thận tái phát nên phải ở nhà”.

Lúc này chàng tân sinh viên... đầu bạc mới lên tiếng: “Đậu đại học chỉ là mới đền đáp được công lao của cha mẹ và hai chị. Học giỏi ở đại học, ra trường làm bác sĩ giỏi mới đền đáp được công ơn của mọi người, bà con chòm xóm”.

Ý chí của Huyền

 TT - Trong chuyến đến TP.HCM để gặp gỡ và giao lưu với Nick Vujicic, tôi đã gặp một học trò nghèo vượt khó. Đó là em Nguyễn Thị Huyền. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Eakpam, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk, 12 tuổi Huyền phải chịu cú đẩy đầu tiên của số phận nghiệt ngã: mẹ em bị liệt, vĩnh viễn sống cuộc sống thực vật. 



Một năm sau, cha em bị tai nạn giao thông cũng trở thành người tàn phế. Em trai em lúc đó đang tuổi ăn học. Vậy là ở tuổi mà đáng ra vẫn còn được hưởng sự vô tư và chỉ lo ăn học, Huyền đã phải gánh trên vai gánh nặng gia đình. Chỉ cần một nửa gánh nặng đó cũng có thể khiến bất cứ ai gục ngã, nhưng Huyền đã kiên cường đương đầu với mọi khó khăn để sống. 

Ngồi với em trong căn phòng nhỏ, nhìn đôi mắt sáng toát lên nghị lực cùng nỗi buồn thăm thẳm, tôi hỏi em: “Từ năm 13 tuổi, em đã làm gì để kiếm cái ăn cho bố mẹ đau ốm, cho bản thân và cho em trai?”, Huyền trả lời: “Trong bảy năm hầu như ngày nào em cũng đi lượm ve chai từ 2 giờ sáng. Có những ngày em kiếm đủ cơm ăn cho cả bốn người, nhưng cũng có những ngày riêng em nhịn đói”. 

Cuộc mưu sinh của Huyền nhọc nhằn và gian khó biết nhường nào! Ấy vậy nhưng em đã không cho phép những khó khăn lớn đến mức khó tưởng tượng ấy quật ngã mình. Em không chỉ nuôi sống bố mẹ và em trai mà còn nuôi sống cả ước mơ, khát vọng trong em. Suốt 12 năm học phổ thông Huyền luôn là học sinh xuất sắc, hai lần đoạt giải học sinh giỏi văn cấp tỉnh, một lần cấp quốc gia. Năm 2012 em thi đỗ vào khoa quản trị du lịch Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. 

 Huyền nói hiện nay mỗi tháng em phải lo tiền ăn, tiền thuốc cho cha mẹ, tiền thuê người chăm sóc cha mẹ, tiền ăn học cho em trai và tiền ăn học cho chính bản thân em. Hằng ngày, buổi sáng em lên giảng đường, buổi chiều em đi làm thuê đến 2 giờ sáng hôm sau. Ai thuê làm việc gì em làm việc đó, từ rửa bát đến phát tờ rơi. 

Đôi mắt Huyền ánh lên sự quyết tâm khi em nói rằng em không ngại vất vả, khổ sở, miễn sao lo được cho bố mẹ và em trai mà mình không phải bỏ học. Nghe em kể về cuộc sống của em ở thành phố, tôi không khỏi lo lắng. 

13 ngày sau khi Huyền gặp Nick Vujicic, khi số tiền giải thưởng chưa kịp đến tay em, Huyền phải vào bệnh viện vì xuất huyết dạ dày và suy nhược cơ thể! Một người bạn của tôi đã thốt lên: “Con bé ăn mì gói triền miên, làm quần quật như thế không xuất huyết dạ dày, suy nhược cơ thể mới lạ!” 

Hiện Huyền vẫn đang âm thầm chịu đựng những cơn đau trong khi cố gắng vượt qua kỳ thi cuối năm ở trường đại học. Nghĩ đến em, tôi lại bị ám ảnh bởi một câu hỏi: có bao nhiêu người biết đến cuộc vật lộn của Nguyễn Thị Huyền? Ý chí, nghị lực của em, tấm lòng hiếu thảo không lời nào diễn tả hết của em liệu có thể truyền cảm hứng đến người khác hay không? 

Tôi cũng tin rằng tấm gương của Nguyễn Thị Huyền có thể khiến các bạn trẻ đang sống trong no đủ, trong sự bao bọc của tình yêu thương nhận ra sự may mắn của mình, biết quý trọng những gì mình đang có, biết tận dụng cơ hội của mình để vươn lên. 

NGUYỄN BÍCH LAN - Báo tuoitre.vn ngày 09/06/2013